Được thực hiện từ năm 2011 đến 2014, nhóm khảo sát đã theo dõi 40 công trình có kết cấu chịu lực chính là BTCT. Trong đó, công trình cao nhất là 40 tầng, thấp nhất là 4 tầng; có 31/40 công trình trên 9 tầng và tất cả đều là công trình công cộng gồm chung cư, cao ốc văn phòng, siêu thị, hoặc công trình hỗn hợp. Phạm vi thực hiện thống kê bao gồm các công trình do SCQC thực hiện tư vấn, 80% các công trình được theo dõi nằm ở TPHCM, số còn lại ở các tỉnh thành khác.
Kết quả khảo sát cho thấy: Có 15 công trình có phát hiện vết nứt; tất cả công trình có phát hiện vết nứt đều là công trình trên 9 tầng; có 2 trên 15 công trình có vết nứt được kết luận là nguy hiểm cần gia cố - do đặt thép thiếu và được xử lý bằng cách gia cường kết cấu; vết nứt nguy hiểm do thiếu thép hoặc thiếu tiết diện có vết nứt phù hợp quy luật cơ học. Các vết nứt do co ngót thường không có quy luật. Vết nứt do co ngót thường có dạng lưới trên bề mặt sàn; đối với dầm, xuất hiện tại các vị trí bất kỳ trên dầm với chiều dài kéo dài hết chu vi dầm và bề rộng rất nhỏ. Thời gian phát hiện vết nứt khi bê tông vừa đạt cường độ và tháo cốt pha dầm…
Tại các công trình có kết cấu sàn BTCT dự ứng lực đã được khảo sát không xảy ra hiện tượng nứt, ngoại trừ một công trình có sàn dự ứng lực bị nứt tại các vị trí góc sàn do thiếu thép gia cường. Công trình xuất hiện vách tầng hầm vết nứt rộng 0,3mm được xử lý bằng keo epoxy. Có công trình xuất hiện vết nứt chiều dài đến 3m, rộng 0,1 - 0,3mm, xử lý bơm keo Epoxy và chưa có hiện tượng phát triển. Phần lớn công trình do co ngót và sau khi bơm vữa (Epoxy, Sika grout…) đã đưa vào sử dụng ổn định, theo dõi không thấy phát triển.
Nhằm hạn chế, phòng ngừa việc xuất hiện các vết nứt cũng như có biện pháp xử lý thích hợp khi có xuất hiện vết nứt trong cấu kiện BTCT công trình xây dựng, qua kết quả khảo sát nói trên, nhóm nghiên cứu có các kiến nghị sau:
Các đơn vị thiết kế cần có hệ thống quản lý chất lượng rõ ràng, trong đó có quy trình chặt chẽ từ khâu chủ trì, đến các kỹ sư thiết kế. Xem xét cẩn thận năng lực của tổ chức thiết kế khi giao thầu. Kết quả khảo sát tại một công trình ở quận 9 cho thấy các ô sàn đặt thép không đủ, hoặc tiết diện bê tông không đủ làm võng và nứt sàn, nứt một số dầm. Các vết nứt xuất hiện ở sàn phần lớn đều theo đúng quy luật của kết cấu khi không đủ khả năng chịu tải. Khi thiết kế sàn dự ứng lực cần chú ý các vị trí cần gia cường thép chống nứt các góc sàn. Khi sử dụng bê tông mác cao hoặc kích thước cấu kiện lớn, các đơn vị thiết kế phải có chỉ dẫn kỹ thuật quy định các điều kiện về phương pháp đổ bê tông, thời gian vận chuyển, điều kiện cốt liệu, hệ thống ván khuôn, thời điểm đổ bê tông, phương pháp bảo dưỡng… nghĩa là phải dự tính đến các nhân tố ảnh hưởng đến nguyên nhân nứt bê tông để phòng ngừa…
Trong khi đó, đơn vị thi công phải tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn kỹ thuật. Biện pháp đổ bê tông phải được các bên xem xét, phê duyệt và thực hiện nghiêm túc. Cần chú ý đến các điều kiện về thời gian trộn, mạch ngừng, phân đoạn đổ, trình tự và thời gian của 2 mẻ bê tông liên tiếp… và biện pháp bảo dưỡng. Các đơn vị thiết kế, thi công cần cập nhật các công nghệ mới trong thiết kế thi công kết cấu BTCT như sử dụng xi măng giãn nở, các sản phẩm phụ gồm canxi sulfate (CaSO4), và vật liệu sợi cũng là một cách để chống co ngót cho bê tông. Cần nghiên cứu việc sử dụng phụ gia giảm co ngót hoặc sử dụng tro bay sợi polypropylene trong hỗn hợp bê tông.
Các chủ đầu tư và các chủ thể tham gia xây dựng công trình phải quan tâm đến các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý vết nứt để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ và chi phí hợp lý.
Th.S HOÀNG NGỌC ÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét